cham soc suc khoe sinh san

Thời kỳ kinh nguyệt là thời điểm dễ bị nhiễm bệnh nhất, đặc biệt là viêm nhiễm sinh dục. Trong những ngày hành kinh, có hiện tượng sung huyết do giãn nở các mạch máu vùng chậu nên người phụ nữ thường cảm thấy nặng bụng dưới, khó chịu.

 1. Vệ sinh khi có kinh nguyệt
 Thời kỳ kinh nguyệt là thời điểm dễ bị nhiễm bệnh nhất, đặc biệt là viêm nhiễm sinh dục. Trong những ngày hành kinh, có hiện tượng sung huyết do giãn nở các mạch máu vùng chậu nên người phụ nữ thường cảm thấy nặng bụng dưới, khó chịu. Lúc máu kinh thoát ra  ngoài, cổ tử cung hở hơn những ngày thường, tạo điều kiện cho vi trùng dễ xâm nhập từ âm đạo vào buồng tử cung.
 Ngoài ra, máu kinh là môi trường giúp cho vi trùng có sẵn trong âm đạo phát triển. Nếu không giữ vệ sinh tốt có thể làm viêm phần phụ cấp, viêm vùng chậu cấp, thậm chí viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. Thêm vào đó, trong giai đoạn này người phụ nữ thường mệt mỏi làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.
 Phụ nữ thường có quan niệm sai lầm là khi có kinh thì không nên tắm rửa. Thật ra trong thời kỳ này, cần năng tắm rửa và vệ sinh thân thể hơn. Cần thay băng vệ sinh mỗi khi băng ướt đẫm, trung bình 4-6 giờ/lần. Ngoài ra, phụ nữ có thể sử dụng các loại nước rửa phụ khoa để loại bỏ máu kinh và giảm lượng vi khuẩn sinh sản nhanh trong máu kinh bám vào âm hộ gây nhiễm trùng ngược chiều.

Cần tránh tắm bồn, tránh bơm rửa vào trong âm đạo. Trong kỳ kinh, phụ nữ không nhất thiết phải hạn chế làm việc thường ngày, ngoại trừ những công việc cần khiêng vác nặng hoặc phải ngâm mình dưới nước. Có thể chơi những môn thể thao nhẹ nhàng, tránh các môn phải vận động nhiều. Quần áo lót phải được giặt kỹ bằng xà phòng và phơi ngoài nắng để sát trùng.

 Không nên phơi chỗ tăm tối ẩm thấp vì vi khuẩn, nấm mốc dễ phát triển, gây bệnh khi mặc vào người.

2. Vệ sinh trong quan hệ tình dục

 Sau khi quan hệ tinh dục, phụ nữ nên đi tiểu ngay để tránh nhiễm trùng đường tiểu. Đồng thời, vệ sinh bên ngoài bộ phận sinh dục, tránh thụt rửa sâu bên trong vì có thể làm thay đổi môi trường âm đạo khiến vi sinh vật dễ phát triển, gây viêm nhiễm.
 Tránh giao hợp trong những ngày hành kinh vì có thể làm chảy máu kinh nhiều hơn. Ngoài ra, cổ tử cung hở nên nếu sinh hoạt tình dục khi có kinh, phụ nữ sẽ dễ nhiễm khuẩn hơn vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào buồng tử cung dễ dàng. Phụ nữ mang thai cũng nên tránh giao hợp trong 12 tuần đầu và tháng cuối của thai kỳ vì dễ gây sảy thai, sinh non.

3. Vệ sinh lúc thai nghén

 Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều biến đổi lớn để đảm bảo cho sự phát triển tốt của bào thai. Vì vậy, người mẹ cần quan tâm đến những vấn đề gọi là vệ sinh thai nghén để tạo điều kiện cho sự ra đời của đứa con khoẻ mạnh và thông minh. Vệ sinh thai nghén bao gồm vệ sinh trong sinh hoạt và vệ sinh trong lao động.

– Vệ sinh trong sinh hoạt

 Thai phụ cần tắm rửa hàng ngày, tránh tắm bồn hay ngâm mình trong nước ao hồ, tránh bơm rửa sâu trong âm đạo vì âm đạo, cổ tử cung lúc này đang bị sung huyết nên rất dễ bị tổn thương. Khi có thai, dưới ảnh hưởng của nội tiết tố, thai phụ thường tiết dịch âm đạo nhiều, đặc biệt là dễ phát triển nấm trong âm đạo. Vì thế khi thấy khí hư nhiều, thai phụ cần đi khám bác sỹ để được điều trị viêm nhiễm sinh dục, đề phòng nguy cơ sinh non, tránh nhiễm trùng ối khi sanh hoặc nhiễm hậu sản sau này.

Ngoài ra, cũng cần chăm sóc răng miệng tốt; chăm sóc đầu vú để chuẩn bị cho con bú sau khi sinh, nếu núm vú lõm vào thì nên kéo ra hàng ngày; tránh táo bón vì có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.

 Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để được phát hiện, theo dõi và điều trị sớm những bệnh có liên quan đến thai nghén như tiền sản giật, các bệnh nôi khoa có sẵn như bệnh tim, lao phổi, đái tháo đường, cường giáp… Nếu bệnh lý không cho phép mang thai vì ảnh hưởng đến sức khoẻ bà mẹ hoặc phát hiện thai bất thường (dị tật bẩm sinh), bà mẹ cần được tham vấn để chấm dứt thai kỳ sớm. Tiêm phòng uốn ván để đề phòng uốn ván sơ sinh.
 – Vệ sinh trong lao động
 Không để thai phụ lao động nặng nhọc. Không chơi các môn thể thao cần dùng nhiều sức. Tập thể dục với những động tác nhẹ dành cho thai phụ. Có thể tiếp tục công việc thường ngày trừ những trường hợp doạ sẩy thai, tiền sử sảy thai liên tiếp. Từ tháng thứ tám trở đi nên tránh đi du lịch xa vì có thể chuyển dạ bất ngờ.

Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm một lần để được phát hiện sớm một số bệnh phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, chữa trị sớm những bệnh nhiễm khuẩn sinh dục. Nếu có thai thì thực hiện quy trình khám thai định kỳ. Đối với phụ nữ đã đến tuổi mãn kinh, cần được tham vấn để có những phương pháp dinh dưỡng, tập luyện phù hợp, sử dụng thuốc khi cần để nâng cao chất lượng cuộc sống.